Sự thật về tre

Tre là loài cây đặc biệt. Trừ châu Âu và một số vùng cực, cây tre có thể phát triển hầu như mọi nơi trên trái đất. Theo BBC, khoảng 40 triệu ha đất ở khu vực châu Á được bao phủ bởi tre. Thân tre rỗng, thẳng. Gỗ tre dẻo và bền, độ bền kéo tương tự như thép mỏng. Là một trong những cây trồng tăng trưởng nhanh nhất hành tinh, mỗi ngày, cây tre có thể dài thêm trên 30 cm mà không cần bất kỳ loại phân bón, thuốc trừ sâu nào.

Dùng tre dệt vải
 

Là loại cây rất đa dụng, ngoài dùng trong xây dựng, làm vũ khí, làm thuốc, làm thức ăn (măng), từ tre còn có thể làm ra vải vóc. Nguồn nguyên liệu tre dồi dào, tiêu thụ ít nước và không yêu cầu chế độ chăm sóc phức tạp nên được ngành công nghiệp dệt may quan tâm.

Hãy làm một phép so sánh: trong khi ngành sản xuất vải bông tiêu thụ 25% lượng thuốc trừ sâu của thế giới thì trồng tre không cần đến hóa chất. Tre cần rất ít nước để phát triển, còn bông tiêu tốn 20.000 lít cho 1kg. Không chỉ tạo ra nhiều hơn 35% oxy so với các loại cây khác, cây tre còn hấp thu một lượng lớn CO2 từ bầu khí quyển. Ước tính, 1ha đất trồng tre có thể hấp thu 62 tấn CO2 so với chỉ 15 tấn CO2 của 1ha đất trồng bông. Do đó, cây tre đặc biệt có ý nghĩa với việc giảm hiệu ứng nhà kính. Trong tâm thức nhiều người tiêu dùng, vải tre hấp dẫn bởi được xem là loại vải “sinh thái”, bảo vệ môi trường sống.

Vải tre 
 

Về chất lượng, vải tre bền và đẹp. So với các nguyên liệu dệt may có nguồn gốc thực vật, vải tre là loại giữ được nhiều nhất những tính năng gốc của cây. Với kết cấu tương tự như lụa, vải tre mềm mại hơn vải bông. Cấu trúc vải xốp, thấm hút tốt hơn vải bông từ 3-4 lần, hơn nữa lại có tính kháng khuẩn tự nhiên, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn trên quần áo gây mùi khó chịu. Vì vậy, trong khi các loại vải khác chứa nhiều chất hóa học chống vi khuẩn có thể gây dị ứng, thì vải tre lại khắc phục được nhược điểm này. Tính cách nhiệt tốt giúp quần áo vải tre rất thông thoáng, mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông nên còn gọi là vải “dễ thở”. Sự linh hoạt của vải, màu sắc tươi sáng, dễ nhuộm, ít nhăn và giá thành chỉ bằng ½ vải bông khiến loại vải này trở thành sự lựa chọn tuyệt vời cho các nhà thiết kế.

Thời xưa, mũ chống nắng và giày dệt từ tre dát mỏng rất phổ biến tại vùng nông thôn Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Á khác. Trong khi đó, thị dân phương Tây lại sử dụng tre làm khung cho váy phồng và áo chẽn. Ngày nay, các hãng thời trang danh tiếng như Armani, Boss cũng dùng vải tre trong các bộ sưu tập. Đẹp và sang trọng, vải tre còn có thể làm quà tặng hoặc dùng trang trí nội thất.

Vải tre có mặt trong sản phẩm dệt may, quần áo trẻ em, và cả bộ sưu tập sang trọng của Armani

Có thể nói, vải tre đang là một trong những loại vải thời thượng nhất hiện nay. Nhiều quảng cáo không tiếc lời ca ngợi vải tre như: quy trình sản xuất ít sử dụng hóa chất, là loại vải sinh thái, thân thiện với môi trường, có thể tái chế…

Thế nhưng ít ai ngờ: vải tre không phải 100% tự nhiên và những những lời quảng cáo về tính năng “vải sinh thái” của sản phẩm này không hoàn toàn chính xác.

Sản xuất vải tre gây có gây ô nhiễm?

Vải tre được làm từ cây tre trưởng thành, ít nhất bốn năm tuổi để có độ cao và độ cứng thích hợp. Sau khi thu hoạch, tre được đưa đến nhà máy. Phần lõi trong thân cây và lá tre là nguyên liệu làm thành vải. Tùy vào cách tạo xơ sẽ có vải tre thân thiện với môi trường hoặc không. Có hai cách cơ bản tạo xơ từ tre là:

Phương pháp vật lý (quy trình sản xuất xơ tre tự nhiên): Thân tre -> Mảnh tre -> Hấp hơi mảnh tre -> Làm dập, phân rã mảnh tre -> Khử keo bằng enzym sinh học -> Chải thô xơ tre -> Xơ tre tự nhiên


Sản xuất vải tre theo phương pháp vật lý

Xơ tre tự nhiên được tạo thành từ thân cây tre sau khi qua một số công đoạn như hấp hơi, làm dập, phân rã mảnh tre, khử keo bằng enzym sinh học để phá vỡ cấu trúc tre thành xơ. Xơ này được chải và xe thành sợi.

Vải từ xơ tre tự nhiên có vẻ ngoài giống như sợi, vải gai, có tính kháng khuẩn, khử mùi mạnh, thường được dùng để dệt các mặt hàng vải dệt thoi.

Phương pháp vật lý cho sản phẩm vải tre khá bền, không dùng hóa chất nên thân thiện môi trường, nhưng nhược điểm là tốn nhiều lao động và chi phí nên khó mang lại lợi ích kinh tế.

Phương pháp hóa học (quy trình sản xuất xơ bột tre): Mảnh tre thô -> Bột tre thô -> Bột tre mịn -> Xơ bột tre.

Tre được làm thành bột, sau đó tạo xơ trở lại nên còn gọi là xơ tre cellulose tái sinh (regenerated cellulose bamboo fiber).

Tre được nghiền nhỏ, thủy phân trong dung dịch kiềm natri hydroxyd (NaOH) 15-20%, ở nhiệt độ 20-25 độ C từ 1-3 giờ. Hỗn hợp này sau đó được ép, xay và để khô trong 24 giờ, thêm vào carbon disulfide và một số hóa chất để tẩy trắng. Cuối cùng là công đoạn đùn ép tạo thành xơ, sợi thô, xe thành sợi và dệt vải.

Sợi, vải làm từ bột tre mịn và mềm nhưng tính kháng khuẩn, khử mùi kém hơn so với sợi tre tự nhiên, thường được dùng để cho vải dệt kim.

Quy trình này sử dụng nhiều hóa chất và thải vào môi trường một lượng lớn khí gây ô nhiễm. Hai hóa chất chính trong quá trình – natri hydroxid và carbon disulfide – đều độc hại với sức khỏe con người. Ở mức thấp, natri hydroxid gây kích ứng da, mắt và đường hô hấp. Carbon disulfide làm mệt mỏi, nhức đầu, tổn thương tim mạch và đã được chứng minh là gây rối loạn thần kinh ở người lao động tại các nhà máy sản xuất sợi nhân tạo.

Tuy được tổng hợp từ các polyme hữu cơ có nguồn gốc từ tre, nhưng sợi tre phải qua xử lý hóa học. Quá trình tổng hợp sử dụng nhiều chất hóa học để chuyển cellulose thành vải nên sợi tre đã trở thành sợi nhân tạo chứ không còn là sợi tự nhiên nữa. Vì vậy, quảng cáo “vải tre 100% thiên nhiên” là không đúng sự thật. Điều này cũng lý giải vì sao một số loại vải tre lại có giá khá rẻ so với các sản phẩm dán nhãn sinh thái “eco-friendly” khác.

Với phương pháp thứ hai này, các công đoạn xử lý hóa học đã phủ định hầu hết các tuyên bố về sự “thân thiện với môi trường sinh thái”. Tuy vậy, đa số các công ty dệt may sử dụng phương pháp này vì mục tiêu kinh tế.

 

 

Người tiêu dùng cần sự trung thực
 

Với chiêu bài “thân thiện môi trường”, sản phẩm vải tre thường được tiếp thị dưới rất nhiều mỹ từ như: “từ sợi thiên nhiên”, “sản phẩm sinh thái”, “phong cách xanh”… để tạo thiện cảm với người mua. Dùng sản phẩm vải tre, khách hàng vừa an tâm vì sử dụng hàng có nguồn gốc thiên nhiên, vừa nhầm tưởng mình đang ủng hộ một sản phẩm “xanh” thực sự. Do đó, nhiều nơi trên thế giới, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng đang yêu cầu các công ty dệt may phải đưa ra những bằng chứng khoa học đáng tin cậy chứng minh các đặc tính lý tưởng trong quảng cáo thật sự tồn tại trong vải tre.

Tại Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang (The Federal Trade Commission) đã cáo buộc bốn công ty sản xuất vải tre về những tuyên bố thiếu tính thuyết phục liên quan đến: sợi tre không phải là sợi thiên nhiên, quy trình sản xuất không thân thiện với môi trường và không có khả năng tái chế.

Ở Canada, các công ty dệt may được đề nghị phải dán nhãn cho vải có nguồn gốc từ tre, phân loại theo quy trình tạo ra nó. “Người tiêu dùng biết được sự khác nhau giữa cách làm ra các loại vải tre là điều quan trọng”, ông Kelly Drennen, chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Fashion Takes Action – thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành công nghiệp thời trang Canada – cho biết. “Có sự khác biệt rõ ràng giữa cố ý gây hiểu nhầm và trung thực với người tiêu dùng. Tôi nghĩ rằng, nhiều doanh nghiệp sản xuất vải tre cố tình không biết, hoặc chưa nhận thức được loại vải này không thật sự thân thiện với môi trường”. Ông cũng đánh giá quy định dán nhãn phân loại vải tre là một động thái tích cực, bởi người tiêu dùng có quyền biết mình đang sử dụng một sản phẩm như thế nào.

Thực ra, cây tre vẫn được đánh giá là loại vật liệu tốt cho môi trường sinh thái và vải tre có rất nhiều ưu điểm tuyệt vời. Tất cả những gì chúng ta cần là một quy trình sản xuất phù hợp và những lời quảng cáo sản phẩm đúng sự thật.